Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Thực phẩm chức năng chữa... phụ khoa

Thuc pham chuc nang chua phu khoa
Sản phẩm Khang Mỹ Đơn.

Thực phẩm chức năng vẫn tưởng dùng để ăn nhưng hóa ra có những loại lại được dùng để đặt vào... âm đạo, chữa bệnh phụ khoa. Lạ hơn nữa, nó vẫn được cơ quan chức năng cấp phép để trở thành một loại thực phẩm.

Ngày 17/7, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức hội thảo “Thực phẩm chức năng - doanh nghiệp và người tiêu dùng” để “ca ngợi” những lợi ích, hiệu quả của thực phẩm chức năng (TPCN) đối với sức khoẻ con người. Song bên lề hội thảo lại “nóng bỏng” những lời bàn tán về tác dụng thật sự và việc quản lý đối với TPCN.

Thực phẩm lại… chữa phụ khoa

Tại hành lang hội nghị, có rất nhiều công ty trưng bày mặt hàng TPCN, trong đó đặc biệt nhất là sản phẩm Khang Mỹ Đơn của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển quốc tế Monjoin VN. Điều đặc biệt đó là Khang Mỹ Đơn - một loại TPCN không phải dùng để ăn, uống mà dùng để đặt vào âm đạo của phụ nữ.

Trong tờ rơi của sản phẩm có quảng cáo rất rõ: “Khang Mỹ Đơn có tác dụng bổ sung các nội tiết tố, chống lão hoá, kéo dài tuổi mãn kinh, bài tiết các tạp chất bẩn, làm sạch âm đạo và tử cung, ngăn chặn sự phát triển các mầm bệnh trong âm đạo... Cách dùng: Sản phẩm được đặt vào âm đạo...”.

Theo lời giới thiệu của nhân viên công ty, Khang Mỹ Đơn là viên hình con nhộng, dùng để đặt vào âm đạo và đi kèm với viên đặt là tinh dầu bảo dưỡng làm đẹp. Loại tinh dầu này dùng để xoa bụng dưới vị trí hai bên hố chậu, tinh dầu sẽ thấm sâu vào hai buồng trứng sẽ có tác dụng tăng cường nội tiết, điều hoà hệ thống sinh dục phụ nữ... Giá bán sản phẩm này khá đắt: 240.000đ/hộp 3 viên đặt, 240.000đ/lọ tinh dầu.

Thành phần của sản phẩm chủ yếu là các dược liệu đông y: Tàng hoa hồng, cương đảm, huyết kiệt, hoàng cầm... Điều đáng nói nữa là trong tờ giải đáp thắc mắc khi sử dụng sản phẩm Khang Mỹ Đơn, có nói đến rất nhiều “tác dụng phụ” như: Khi sử dụng Khang Mỹ Đơn sẽ có cảm giác đau lưng, đau bụng, chóng mặt, mất ngủ, ngứa, sưng, tức máu, tiết dịch âm đạo nhiều hơn, có vết máu đặc tiết ra... Và lời giải thích cho những hiện tượng bất thường đó là do sản phẩm phát huy tác dụng.

Đáng ngại nữa là sản phẩm được khuyên dùng lâu dài, để bảo vệ sức khoẻ dùng 1-2 viên mỗi tháng.... Sản phẩm này đã được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn và cấp phép lưu hành.

Vì sao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại cấp phép cho 1 loại TPCN có cách dùng kỳ lạ như vậy. Với những lời quảng cáo của sản phẩm thì có thể hiểu đó như là một loại thuốc chữa bệnh phụ nữ với cách sử dụng khiến nhiều người ngại ngần.

Cục ATVSTP “bị ép” cấp phép?

Nói đến thực phẩm, trong đó có cả TPCN thì có nghĩa đó là đồ ăn, thức uống chứ không thể là thứ dùng để đặt vào những vị trí khác trên cơ thể con người. Vì sao Cục ATVSTP - với chức năng là cấp phép và quản lý các loại thực phẩm - lại cấp phép cho lưu hành Khang Mỹ Đơn là một loại TPCN.

Ngay trong bài nói của ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục ATVSTP - tại hội thảo có nói tới 7 nhóm TPCN, thì không có nhóm nào có loại TPCN dùng để “đặt âm đạo”.

Giải thích về việc cho lưu hành Khang Mỹ Đơn, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng cấp phép và đăng ký chất lượng, Cục ATVSTP - cho biết: “Trước khi Khang Mỹ Đơn được cấp phép lưu hành, đã có nhiều bàn cãi. Chính Cục ATVSTP sau khi cho phép Khang Mỹ Đơn ra thị trường 1 tháng đã vội vã ra lệnh thu hồi. Trước đề nghị của Cty, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược, Cục ATVSTP, Vụ Y học cổ truyền “họp” lại để xem xét Khang Mỹ Đơn là thuốc hay thực phẩm.

Cục Quản lý dược cho rằng, Khang Mỹ Đơn tại nước sở tại (Trung Quốc) cấp phép là sản phẩm bổ sung sức khoẻ chứ không phải là thuốc, thì VN không thể cho là thuốc được. Căn cứ trên hồ sơ của sản phẩm, 3 đơn vị trên đã thống nhất giao cho Cục ATVSTP cấp phép với tên gọi là sản phẩm bổ sung sức khoẻ chứ không gọi là TPCN...”.

Như vậy, có thể hiểu là Cục ATVSTP bị “ép” phải cấp giấy phép lưu hành cho Khang Mỹ Đơn. Trên thực tế, tên gọi “sản phẩm bổ sung sức khoẻ” đã không ai biết đến. Khi Khang Mỹ Đơn trưng bày sản phẩm tại Hội thảo về TPCN thì ai cũng hiểu đó là TPCN.

Hơn nữa, những nhân viên của công ty vẫn “nhập nhằng” giới thiệu với khách hàng khi là TPCN, khi là thuốc bởi các công dụng “kỳ diệu” chữa bệnh phụ khoa.

Theo Ngọc Phương

Lao Động

Việt Báo (Theo_DanTri)
Thuc pham chuc nang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét