Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Đề xuất "siết" quản lý thực phẩm chức năngĐề xuất "siết" quản lý thực phẩm chức năng

Thảo luận chiều 23/11 tại tổ về dự thảo Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) cho rằng nên có cơ chế kiểm soát nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng vì hiện nay, do quảng cáo tràn lan nên người dân có cảm giác đây là một loại “thuốc tiên”.

Thực phẩm chức năng có phải thuốc tiên?

Mô tả ảnh.
ĐBQH Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân đề xuất lập Ủy ban QG về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: CN
Theo điều 12 dự thảo luật, thực phẩm chức năng phải đáp ứng các điều kiện như "có thông tin và số liệu khoa học chính thống chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố; Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về công dụng của sản phẩm do các tổ chức được Bộ Y tế chỉ định thực hiện...".

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật đã đề nghị bổ sung thêm một số nội dung: Cần quy định kiểm nghiệm về chỉ tiêu dinh dưỡng, an toàn về vi sinh vật, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... và chứng cứ khoa học xác minh “chức năng” của thực phẩm đó.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) cho rằng, Luật nên có thêm quy định là nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng chỉ được phát đúng những thông tin đã đăng ký, tránh gây hiểu nhầm cho dân chúng.

Bà Hà cũng bày tỏ bức xúc về việc hiện nay, một số loại thực phẩm được tiếng là “hàng xách tay” thực chất đang “trôi nổi” trên thị trường ngoài tầm kiểm soát.

Liên quan đến việc người dân không có đầy đủ thông tin về chất lượng thực phẩm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng đề xuất, Luật cần điều chỉnh hành vi tuyên truyền sai về chất lượng thực phẩm, trong đó có quảng cáo sai, nói quá mức công dụng…

Có nên lập UB vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia?

Thảo luận về một dự án luật liên quan đến mâm cơm của từng người dân, các ĐBQH cũng nêu nhiều bức xúc như như chuyện ngộ độc thức ăn, quản lý bếp ăn tập thể, rau quả nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tình trạng rượu lậu, thuốc lậu tràn lan chưa được kiểm soát, thức ăn đường phố...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra chưa hài lòng vì dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Nhiều vấn đề bức xúc chưa được phản ánh trong luật.

Nói như ĐB Nguyễn Lân Dũng, “luật hay nhưng khó khả thi, đưa ra nhiều yêu cầu cao, e khó thực hiện”.

Còn theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), cấu trúc luật không rành mạch, dài, quy định tản mạn sẽ rất khó khi thực hiện. Một số chương thậm chí có thể gộp lại vì trùng lắp.

Ngay với quy định về điều kiện đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, theo ĐB Cà Mau Trần Văn, cũng cần phải có lộ trình vì rất khó kiểm soát hết ngay một lúc, nhất là khi sản phẩm của Việt Nam có nguồn gốc từ các hộ gia đình, cá nhân tương đối nhiều.

Điều quan trọng là để sau khi luật ban hành có thể phát huy tác dụng tức thì, Luật cần quy định cụ thể một cơ quan đầu mối có trách nhiệm quản lý công tác an toàn thực phẩm.

Đây là vấn đề gây tranh luận và làm "nóng" phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu một năm về trước. Bởi, theo Bộ trưởng Y tế, quy trình từ "trang trại đến mâm cơm" ngoài Bộ Y tế còn có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn với mặt hàng nông sản thực phẩm và còn "liên đới" trách nhiệm của Bộ Công Thương với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu và chế biến, đóng gói sẵn.

Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), ngành y tế đang rất thiếu người nên nếu giao đầu mối về cho ngành y sẽ rất khó, vì họ chỉ có thể kiểm tra theo chiến dịch. Nên chăng để ngành Nông nghiệp?

Ông Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề, "liệu có nên giao cho Bộ KHCN, họ có một bộ phận làm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hoặc có thể lập một ủy ban quốc gia quản lý vấn đề này vì an toàn thực phẩm còn liên quan đến giống nòi".

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lại đề xuất, nên chăng có một Ủy ban quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức theo ngành dọc và trực thuộc Bộ Y tế, làm cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chung và có thẩm quyền điều phối, kiểm tra tất cả các khâu thuộc sự quản lý của các bộ ngành khác? UB này sẽ là nơi chịu trách nhiệm trực tiếp và cuối cùng đối với “mâm cơm” của người dân.

Ông Xuân cho rằng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã xảy ra nhiều năm gây bức người dân, Quốc hội đã giám sát và có ý kiến nhiều lần nhưng tình trạng các năm qua chưa được cải thiện.

Nguyên nhân quan trọng là pháp luật chưa nghiêm và nguồn nhân lực, vật lực vẫn còn quá thiếu. Chi cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta tính trên đầu người chỉ bằng 1/10 các nước xung quanh trong khi các mặt hàng thực phẩm thì ngày càng phong phú, đa dạng.

Luật cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà không nhất thiết phải chờ hậu quả xảy ra rồi xử lý.

Dự thảo luật sẽ được thảo luận tại Hội trường vào ngày 26/11 và sẽ được biểu quyết thông qua vào kỳ họp sau.

Quản lý thức ăn đường phố: Dự thảo luật (điều 24) nêu điều kiện đối với vị trí bày bán thực phẩm: Phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm khác; Phải được bày bán trên bàn, giá kệ cao hơn mặt đất; Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng; Bảo đảm để bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; Có phương tiện che nắng, mưa, bụi bẩn và côn trùng; Có đủ nước sạch dùng cho việc chế biến và vệ sinh ăn uống (điều 25 dự thảo luật).
  • Lê Nhung - Cao Nhật

Việt Báo (Theo_VietNamNet)
Thuc pham chuc nang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét